Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam: Nên cho phép đặt cược vào bóng đá ?
Cá cược bóng đá quốc tế đã chính thức được hợp thức hóa kể từ ngày 31/3/2017. Tuy nhiên, việc không có trong danh sách giải bóng đá được cá cược có thể khiến bóng đá Việt thất thu hàng ngàn tỉ đồng?
Theo quy định tại Nghị định 06/2017/NĐ-CP thì chỉ được đặt cược các giải đấu đua ngựa và đua chó tổ chức ở trong nước, mở cửa cho các giải bóng đá quốc tế nhưng lại không có giải vô địch quốc gia Việt Nam. Việc Nghị định 06 có hiệu lực sẽ mở ra hướng quản lý mới cho hoạt động cá cược tại Việt Nam.
Tuy nhiên, theo nhận xét của nhiều người, việc cấm bóng đá trong nước được hoạt động cá cược đã tạo ra sự khác biệt căn bản bởi nó hoàn toàn khác so với chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Thực tế, đang có hẳn một lộ trình để lấy cá cược bóng đá như một nguồn thu để có thể tái đầu tư phát triển môn thể thao này.
Dù trong nước không được phép cá cược nhưng thực tế V.League đã xuất hiện trên các trang cá cược nước ngoài.
Từ trước đến nay, bóng đá Việt vẫn bị ám ảnh bởi vết đen tiêu cực nhưng bản thân giải đấu cũng đã được đưa “lên sàn” ở một số trang cá cược nước ngoài. Tuy nhiên, các công ty cá cược hợp pháp vẫn rất thận trọng khi đưa các trận đấu ở Việt Nam “lên sàn”. Cũng chính vì vậy mà những mùa giải gần đây, công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã bắt tay với công ty giám sát Sportrada để có thể tiếp cận được với cảnh báo, đánh giá về những bất thường ở các trận đấu V.League thông qua việc đánh giá tỉ lệ cược, lượng tiền chảy về một trận đấu cụ thể nào đó. Ở một góc độ nào đó có thể thấy, V.League cũng giống như một giải đấu bóng đá nước ngoài đang có tên trong danh mục được cho phép cá cược tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, nếu nhìn vào giá trị kinh tế mà Giám đốc dịch vụ khu vực châu Á của Sportradar, ông Biplav Gautam, tiết lộ trong lễ ký kết hợp tác phòng chống tiêu cực tại các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia của VPF về một thị trường cá cược song song, không ít người sẽ phải giật mình. Theo tính toán của Sportrada, mỗi mùa V.League thu hút khoảng 54,6 triệu USD tiền cá cược, tương đương khoảng 1.200 tỉ đồng Việt Nam. Tính trung bình, mỗi trận đấu ở V.League sẽ kích thích 300.000 USD tiền cá cược, vào khoảng 6,6 tỉ đồng. Như vậy nếu V.League không được phép cá cược, nhiều người cảm thấy tiếc nuối khi bóng đá Việt sẽ mất đi một nguồn kinh tế quan trọng để phát triển đúng như chiến lược phát triển bóng đá Việt đến năm 2020.
Tất nhiên là để tới được đích sẽ phải mất cả một chặng đường dài nhưng nếu không bắt đầu sớm thì chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020 không thể đảm bảo yếu tố tạo nguồn tài chính để phát triển môn thể thao vua này.
Câu hỏi đặt ra là liệu bóng đá Việt có bị “thiệt hại” khi không cho phép cá cược? Để tìm trả lời, PV báo Người Đưa Tin đã liên hệ với ông Nguyễn Xuân Gụ – Phó chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) để tìm hiểu thông tin. Tuy nhiên, qua điện thoại, thật bất ngờ ông Nguyễn Xuân Gụ trả lời rằng ông không hề biết việc Nghị định cho phép cá cược có hiệu lực rồi vội vã… tắt máy.